Diễn biến chiến dịch Chiến_dịch_Barbarossa

Khái quát

Mặt trận Xô - Đức từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1941

Chiều tối 21 tháng 6 năm 1941, vài người dân Ba Lan đã liều mạng bơi qua sông Bug Tây gặp những lính biên phòng Liên Xô ở đồn số 9 và đồn số 17 Cờ Đỏ để báo cáo về việc Quân Đức chuẩn bị tiến công vào sáng sớm ngày 22. Tin tức này phù hợp với tin tình báo do trinh sát ngoại biên của các đồn biên phòng miền Tây báo cáo về việc quân Đức tập trung vô số xe tăng, pháo binh và bộ binh sát đường biên giới.[85] Cùng thời điểm trên, một thượng sĩ Đức thuộc trung đoàn 222, sư đoàn bộ binh 73 chạy sang Liên Xô tại khu vực Tây Vladimir - Volynski thuộc Quân khu đặc biệt Kiev quả quyết rằng quân Đức sẽ tấn công vào 4 giờ sáng 22 tháng 6. Nhiều đơn vị biên phòng và quân đồn trú sát biên giới của các quân khu phía Tây Liên Xô đều qua bộ tư lệnh của mình liên tiếp gửi về Moskva những tin tức tương tự.[70] Bộ trưởng dân ủy quốc phòng S. K. Timoshenko, Tổng tham mưu trưởng Zhukov và Cục trưởng cục tác chiến N. F. Vatutin thống nhất đề nghị khởi động khẩn cấp Kế hoạch "KOVO-41". Nhưng thay vì đưa quân đội Liên Xô vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu ngay tức khắc và tuyên bố tình trạng chiến tranh, Stalin và tập thể Hội đồng Quốc phòng Liên Xô lại nghi ngờ đó là tin tình báo giả để khiêu khích, nên quyết định chỉ tiến hành những biện pháp hạn chế, chủ yếu có tính đề phòng với tinh thần: "không được rơi vào âm mưu khiêu khích có thể gây ra những rắc rối lớn". Ngoài những biện pháp đề phòng, bức điện hỏa tốc lúc 2 giờ 30 phút sáng 22 tháng 6 được truyền đến các quân khu biên giới phía Tây còn quy định: "Không có lệnh đặc biệt, không được tiến hành bất kỳ biện pháp nào khác".[86] Lúc 3 giờ 30 phút, Đức Quốc xã tấn công lãnh thổ Liên Xô. Cuộc chiến tranh giữ nước của Liên Xô chính thức mở màn.

Mở màn chiến dịch, Không quân Ðức Quốc xã (Luftwaffe) tấn công các sân bay và các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Liên Xô từ ven biển Barents đến ven bờ Biển Đen. Trong vòng vài giờ sau đó, 152 sư đoàn gồm hơn 3,2 triệu quân Ðức, cộng thêm 38 sư đoàn quân các nước chư hầu, dẫn đầu bởi các sư đoàn thiết giáp ồ ạt vượt biên giới, bắt đầu chiến dịch quân sự theo đường lối chiến tranh chớp nhoáng (blitzkrieg) lớn nhất trong lịch sử nhắm vào mục tiêu đánh bại Hồng quân và xoá sổ Liên Xô trong vòng 2-3 tháng[gc 1].

Theo kế hoạch, chiến dịch được tiến hành bởi ba mũi. Mũi thứ nhất của Cụm tập đoàn quân Bắc gồm 26 sư đoàn, trong đó có 3 sư đoàn thiết giáp và 2 sư đoàn cơ giới hóa, tấn công qua các nước Cộng hòa vùng Baltic vào Bắc Nga, hướng tới Leningrad. Mũi thứ hai của Cụm tập đoàn quân Trung tâm gồm 49 sư đoàn, trong đó có 9 sư đoàn thiết giáp và 6 sư đoàn cơ giới hóa, tấn công Smolensk sau đó qua Belarus tới Moskva. Mũi thứ ba của Cụm tập đoàn quân Nam gồm 41 sư đoàn, trong đó có 5 sư đoàn thiết giáp và 4 sư đoàn bộ binh cơ giới hóa, tấn công vào vùng đông dân trù phú Ukraina, chiếm Kiev sau đó triển khai xuống phía Nam, tới sông Volga và vùng dầu hỏa Caucasus.

Ở giai đoạn đầu của chiến dịch, Hồng quân Liên Xô hoàn toàn bị bất ngờ và không kịp phản ứng. Chỉ trong 3 ngày đầu, gần 4.000 máy bay bị phá hủy khi đang đậu trên sân bay[87], các đồn biên phòng nhanh chóng bị tràn ngập. Ở phía Bắc, tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Ðức xuyên qua giữa 2 quân đoàn Hồng quân, sau đó bao vây và tiêu diệt 2 quân đoàn này. Ở mặt trận trung tâm, tập đoàn quân thiết giáp số 2 vượt sông Tây Bug ở phía Nam, tập đoàn quân thiết giáp số 2 đột phá qua khe giữa 2 phương diện quân Hồng quân ở sông Neman, vận động thành hai gọng kềm thọc sâu hợp điểm tại Minsk, khiến 32 sư đoàn Hồng quân bị bao vây trong túi và sau đó bị tiêu diệt. Đến ngày 9 tháng 7, quân Đức liên tục đánh bại quân đội Liên Xô trên lãnh thổ phía Tây, lãnh thổ Litva và Latvia và hầu khắp lãnh thổ Belarus cũng như miền Tây Ukraina. Ngày 29 tháng 6 năm 1941, Minsk rơi vào tay quân Đức. Pskov rơi vào tay quân Đức ngày 9 tháng 7 năm 1941. Ngày 10 tháng 7 năm 1941, quân Đức đột kích Leningrad rồi tiền hành bao vây.

Ở giai đoạn hai, trên mặt trận trung tâm, tập đoàn quân thiết giáp số 2 của Ðức vượt sông Dniepr vận động bao vây Smolensk từ phía Nam, tập đoàn quân thiết giáp số 3 tiến công Smolensk từ phía Bắc. Sau khi hợp điểm thành công, hai gọng kềm phong tỏa 3 tập đoàn quân Hồng quân trong túi, bắt sống 18 vạn tù binh. Chiếm xong Smolensk vào ngày 10 tháng 9 năm 1941, tập đoàn quân thiết giáp số 2 được lệnh quay về phía Nam[gc 2], phối hợp với cụm tập đoàn quân Nam đánh về phía Bắc thành hai gọng kềm bao vây Kiep, tiêu diệt hoặc bắt giữ 43 sư đoàn Hồng quân với tổng số 60 vạn người cùng với nhiều vũ khí nặng. Đến ngày 1 tháng 9, quân Đức đã đánh bại Hồng Quân ở miền Đông Belarus, Estonia và vùng giáp ranh với Nga, gần như toàn bộ Ukraina. Đến cuối tháng 10, phần còn lại của Ukraina trừ Krym thất thủ. Uman bị chiếm ngày 10 tháng 8 năm 1941. Kiev, Riga thất thủ ngày 30 tháng 9 năm 1941. Ngày 16 tháng 10 năm 1941, Odessa thất thủ. Kharkov, trung tâm công nghiệp lớn thứ hai ở Ukraina rơi vào tay quân Đức ngày 24 tháng 10 năm 1941 nhưng Liên Xô đã kịp sơ tán các nhà máy, kỹ sư và công nhân về phía đông.

Bước vào giai đoạn ba, các tập đoàn quân đoàn thiết giáp Đức lặp lại bài bản tấn công bằng hai gọng kềm thắng lợi thêm một lần nữa ở Vyazma, bao vây 4 tập đoàn quân Hồng quân trong túi, tiêu diệt hoặc bắt sống gần 60 vạn người, nâng tổng số Hồng quân bị tổn thất lên xấp xỉ 3 triệu. Nhưng đây cũng là dấu chấm hết cho những thắng lợi của quân Đức trong chiến dịch Barbarossa khi sau đó Hồng quân phản công thành công ở trận Moskva, tiêu diệt hoặc đáng thiệt hại nặng 50 sư đoàn Đức. Ở phía nam, Liên Xô cũng phản công thắng lợi trong trận Rostov, ở phía bắc thì Leningrad vẫn kiên trì cố thủ. Quân Đức thất bại trong mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh, biến mặt trận phía Đông thành một cuộc chiến tranh tiêu hao tổng lực.

Mặt trận Belorussia và vùng Pribaltic

Các hướng tấn công của Quân đội Đức Quốc xã và các mũi phản kích của Quân đội Liên Xô tại mặt trận Belorussia trong tuần đầu của cuộc chiến

Tại mặt trận Belorussia

Tại hướng Belorussia, Tổng hành dinh quân đội Đức tập trung lực lượng mạnh nhất của chiến dịch gồm 29 sư đoàn trên đất Ba Lan và 21 sư đoàn ở Đông Phổ, trong đó có 15 sư đoàn xe tăng. Hai mũi tiến công vu hồi sâu ở hai hướng Bắc và Nam thành phố Brest - Litovsk. Cánh quân phía Bắc do Tập đoàn quân xe tăng 3 của tướng Hermann Hoth dẫn đầu có tập đoàn quân 9 tiến theo sau mở mũi đột kích từ Belostok (Bialystok) vượt qua Lida và Molodechno (maladzyechna) đến Borisov (Barysaw). Tại phía cực Bắc của hướng này, tập đoàn quân 2 có quân đoàn xe tăng 8 dẫn đầu phát triển tấn công đến Vilnius. Cánh quân phía Nam có Tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng Heinz Guderian dẫn đầu và tập đoàn quân 4 tiến theo sau đột kích từ Nam Brest qua Kobryn, Baranovichi, Slutsk, Pukhavichy (Puchavicy) đến Berezina (Byerazino). Ngay trong ngày 22 tháng 6, Bộ chỉ huy tối cao Liên Xô hầu như bị đứt liên lạc hoàn toàn với Quân khu đặc biệt miền Tây. Chỉ biết được không quân của Quân khu bị thiệt hại rất lớn. Trinh sát đường không chỉ nắm được tình hình chung nhất là quân Đức đã đột nhập lãnh thổ với chiều sâu từ 15 đến 20 km.[88]

Quân dự bị động viên của Liên Xô tiến ra mặt trận, Moscow 23/6/1941. Bảng trên cây bên trái ảnh có gi dòng chữ: "Chính nghĩa thuộc về chúng ta. Kẻ thủ sẽ bị tiêu diệt. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta" (Ảnh của RIA NOVOSSTI)

Cũng ngay trong ngày đầu chiến tranh, nhiều sư đoàn và quân đoàn thuộc Quân khu đặc biệt Miền Tây (từ ngày 23 tháng 6 đổi tên là Phương diện quân Tây) đã độc lập tác chiến với quân Đức. Thông tin liên lạc bị đứt làm cho việc chỉ huy chung không thể thực hiện được. Ngay cả khi liên lạc được nối lại, đại tướng D. G. Pavlov, tư lệnh Phương diện quân cũng thường có những quyết định không còn phù hợp với tình hình. Kết quả là ngày 25 tháng 6, các tập đoàn quân 3 của thiếu tướng A. A. Korotkov và 4 của trung tướng V. I. Kuznesov ngay cả khi được tăng cường quân đoàn cơ giới 14 vẫn rút lui vô tổ chức khỏi Grodno và Brest. Hành động đó đã đẩy đồng đội của họ là tập đoàn quân 10 do thiếu tướng K. D. Golubev chỉ huy vào tình trạng bị nửa hợp vây tại khu phòng thủ Ossoved (osowiec Twierdza) trên bờ sông Narev. Phó tư lệnh phương diện quân Tây, trung tướng I. V. Boldin đã sử dụng quân đoàn kỵ binh 6, các quân đoàn cơ giới 6 và 11 tổ chức phản kích từ Sokolka vào sườn trái của tập đoàn quân xe tăng 3 Đức. Mặc dù cuộc phá vây không thành công nhưng đòn phản kích này đã buộc tập đoàn quân xe tăng 3 Đức phải phân chia lực lượng để "nhổ cái dằm" Sokolka - Ossoved. Tại Slonim, một bộ phận lớn Quân đoàn cơ giới 6 Liên Xô được trang bị các loại xe tăng cũ BT-7, T-26 và T-28 đã bị tập đoàn quân xe tăng 2 Đức bao vây tại đây. Quân đoàn phải bỏ lại hầu hết xe tăng sau khi đã sử dụng đến những viên đạn, những giọt dầu cuối cùng và chiến đấu như bộ binh để mở đường máu rút lui. Tư lệnh quân đoàn cơ giới 6, tướng M.G. Khaskilevik và tư lệnh quân đoàn kỵ binh 6, tướng I.X. Nikitin tử trận.[89]

Ngày 26 tháng 6, quân đoàn cơ giới 39 thuộc tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) đã tiếp cận khu phòng thủ Minsk và chạm súng với Quân đoàn khinh binh 5 (Liên Xô) do tướng V. D. Yushenko chỉ huy. Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây lấy từ lực lượng dự bị của họ Quân đoàn khinh binh 2 do tướng A. N. Ermakov chỉ huy (chỉ có hai sư đoàn 100 và 161), tăng cường cho khu phòng thủ. Đêm 26 tháng 6, quân đoàn cơ giới 47 thuộc tập đoàn quân xe tăng 2 Đức cũng tấn công Minsk từ phía Nam. Minsk đứt liên lạc với Moskva từ rạng sáng 26 tháng 6. Bộ Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Liên Xô triệu tập đại tướng Zhukov đang chỉ đạo mặt trận Tây Nam về Moskva để tìm biện pháp khôi phục tình hình mặt trận miền Tây.[90]

Trong hai ngày 27 và 28 tháng 6, do vẫn không có tin tức gì về đại tướng D. G. Pavlov; bằng tất cả các kênh liên lạc có thể có, Zhukov đã lập tức nắm tình hình và chỉ đạo tướng V. E. Klimovskic, tham mưu trưởng Phương diện quân Tây tập hợp tất cả các lực lượng còn lại để chặn đường hợp vây của hai cánh quân xe tăng Đức đang tiến đến hợp điểm tại Borisov. Song, tất cả đã quá muộn, chiều tối 28 tháng 6, tập đoàn quân xe tăng 2 Đức đã chiếm thành phố Minsk.[91]

Binh lính Liên Xô bị quân Đức bắt làm tù binh ở Minsk tháng 7 năm 1941

Ngày 27 tháng 6, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô đề nghị thành lập Phương diện quân Dự bị gồm các tập đoàn quân 13, 19, 20, 21, 22 và bố trí nó ở Đông Belorussia trên tuyến Bắc Dvina, Polotsk, Vitebsk, Orsa, Mogilev và Mozyr; điều động các tập đoàn quân 24 và 28 bố trí phía sau Phương diện quân này tại tuyến Selizharovo, Smolensk, Roslavl, Gomel. Nguyên soái Liên Xô S. M. Budionny được đề nghị chỉ định làm tư lệnh phương diện quân. Stalin chuẩn y ngay tức khắc đề nghị này. Ngày 30 tháng 6, Stalin ra lệnh triệu tập về Moskva đại tướng D. G. Pavlov, tư lệnh; thiếu tướng, V. E. Klimovskic tham mưu trưởng, thiếu tướng Klish, tư lệnh pháo binh, thiếu tướng Grigoriev, chủ nhiệm thông tin Phương diện quân miền Tây. Họ đều bị cách chức ngay lập tức và bị đưa ra xét xử tại tòa án binh sau đó ít ngày. Nguyên soái Liên Xô S. K. Timoshenko được cử làm tư lệnh Phương diện quân Tây, Phó tư lệnh: trung tướng A. I. Yeryomenko. Phương diện quân Dự bị chuyển thuộc toàn bộ sáu tập đoàn quân cho Phương diện quân Tây, lùi về giữ tuyến Selizharovo, Smolensk, Roslavl, Gomel để cơ cấu lại với hai tập đoàn quân 24 và 28 vừa được chuyển thuộc cùng ba tập đoàn quân đang trong quá trình tập hợp từ lực lượng dự bị động viên.[92] Trong chiến dịch ở Minsk, không tính 93.000 binh sĩ chết và bị thương, 324.000 quân Liên Xô đã bị quân Đức bắt giữ cùng 2.300 xe tăng, thiết giáp bị phá hỏng hay loại khỏi vòng chiến.[93]

Tại vùng Pribaltic

Tại hướng Pribaltic, Cụm tập đoàn quân Bắc của thống chế Wilhelm Ritter von Leeb nắm trong tay 29 sư đoàn triển khai tấn công dọc theo bờ biển và khép chặt sườn phải với Cụm tập đoàn quân Trung tâm tại tuyến Vilnius - Pskov. Ngày 26 tháng 6, Tập đoàn quân 8 Quân đội Liên Xô bị đứt liên lạc, bị thiệt hại nặng và phải lùi về Riga trên chính diện bị đẩy sâu vào đến 100 km thuộc Phương diện quân Tây Bắc (nguyên là Quân khu Pribaltic). Tập đoàn quân 11 bị đẩy lùi về Polotsk. Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô điều Quân đoàn cơ giới 21 từ Quân khu Moskva đi ứng cứu cho hướng này trong khi mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Quân đội Liên Xô lại không phải ở đây mà là ở khu vực phụ cận Minsk. Tại đây, ba tập đoàn quân 3, 4 và 10 của Quân đội Liên Xô đang có nguy cơ bị hợp vây.[94]

Xác một chiếc xe tăng Đức Panzer IV bị phá hủy tại Kaunas (Litva) năm 1941

Sau khi Quân khu Pribaltic chuyển đổi thành Phương diện quân Tây Bắc, các tập đoàn quân 8 và 11 (Liên Xô) đã thoát khỏi vòng vây nhưng do không có chỉ huy (tham mưu trưởng, tướng P. X. Klenov bị cơ quan phản gián quân sự NKVD bắt, không rõ số phận của tư lệnh F. I. Kuznessov và chính ủy P. A. Dibrova), các tập đoàn quân này đã tản mát trên nhiều hướng và hầu như tan rã. Đại bản doanh quân đội Liên Xô đã cử trung tướng N. F. Vatutin làm tham mưu trưởng phương diện quân này; đồng thời điều Quân đoàn cơ giới 21 của tướng D. D. Leliushenko tiến ra chặn quân Đức tại Daugapinsk. Quân đoàn này chỉ chặn được quân đoàn xe tăng 56 của Đức trong một tuần rồi buộc phải lui về dải phòng ngự của tập đoàn quân 27 do thiếu tướng N. E. Berdarin chỉ huy. Thừa thắng, tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) của tướng Erich Höpner tiếp tục ép tập đoàn quân 27 (Liên Xô) phải lùi và đánh chiếm thành phố Pskov. Đến ngày 30 tháng 7, Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) đã để mất hầu như toàn bộ vùng Pribaltic với các trung tâm quan trọng như: Vilnius, Lida, Riga, Pskov, Luga. Quân số còn lại của tập đoàn quân 8 (Liên Xô) bị vây tại Tallinn và đến ngày 28 tháng 8 phải bỏ Tallinn, rút lui theo đường biển về Leningrad.[95].

Kết thúc cuộc hội chiến biên giới Xô-Đức tại Belorussia và các nước cộng hòa vùng Baltic, Quân đội Đức Quốc xã đã chiếm đóng toàn bộ khu vực này.

Hội chiến biên giới tại Ukraina

Tình hình phía Nam mặt trận Tây Nam từ 22-6 đến 10-7-1941

Chiến cuộc tại miền Tây Ukraina bắt đầu bằng đòn đột kích của tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân 6 (Đức) vào dải phòng ngự của các tập đoàn quân 5 (Liên Xô) ở khu vực Liuboml, Vladimir - Volynski, Ustyluh và dải phòng ngự của tập đoàn quân 6 (Liên Xô). Ngay từ sáng sớm, tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã chiếm được thị trấn biên giới Parkhash và bốn điểm dân cư khác. Cũng ngay từ 5 giờ sáng 22 tháng 6, không quân của Quân khu đặc biệt Kiev đã mất 180 máy bay chiến đấu, phần lớn bị không quân Đức ném bom phá hủy ngay tại sân bay. Mặc dù Bộ Quốc phòng Liên Xô chỉ thị cho không quân của quân khu phải dùng máy bay tập kích vào lãnh thổ Ba Lan - Đức sâu từ 100 đến 150 km nhưng chỉ có những tốp nhỏ máy bay Liên Xô vượt qua được hàng rào máy bay tiêm kích của Đức chi viện cho bộ binh mặt đất. Quân khu không còn đủ máy bay để oanh kích hậu phương quân Đức. Chiều tối 22 tháng 6, Stalin yêu cầu đại tướng Zhukov tới ngay Kiev để chỉ đạo mặt trận Tây Nam và đổi tên Quân khu này thành Phương diện quân Tây Nam.[96]

Sáng 23 tháng 6, tập đoàn quân 6 (Đức) mở rộng khu vực đột phá đến Sokal, Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) tấn công địa đoạn tiếp giáp giữa hai tập đoàn quân 5 và 6 (Liên Xô) ở Rava - Russkaya và Peremyshliany. Trong tác chiến mặt đất, điển tiếp giáp giữa các đơn vị luôn là chỗ hiểm yếu nhất. Tại thê đội một, quân Đức có 10 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn xe tăng. Ngay phía sau là thê đội hai với 2 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn cơ giới và 1 sư đoàn xe tăng được thống chế Walther von Reichenau sử dụng để phát huy chiến quả. Tại cánh Nam, tập đoàn quân 17 của tướng Carl-Heinrich von Stülpnagel hướng đòn tấn công vào Tomashuv (Tomashivtsi) và Tarnopol (Ternopil) với ý đồ khép vòng vây quanh hai tập đoàn quân Liên Xô trên vùng sát biên giới.[97]

Quân Đức tấn công một ngôi làng ở miền Nam Liên Xô

Ngày 24 tháng 5, Phương diện quân Tây Nam điều các quân đoàn cơ giới 9 và 19 để phản kích vào Kovel và Dubno với ý định chia cắt phía sau tập đoàn quân 6 (Đức). Quân đoàn cơ giới 22 do tướng Konstantin Konstantinovich Rokossovsky chỉ huy sẽ đảm bảo hậu cần cho các đơn vị này. Cũng trong ngày 24 tháng 6, Quân đoàn cơ giới 8 của tướng D. I. Riabyshev phản công trên hướng Berestechko, Quân đoàn cơ giới 15 của tướng I. I. Karpezo cũng tấn công vào Radekhov, đánh tan sư đoàn bộ binh 57 ở sườn phải Quân đoàn cơ giới 58 (Đức). Thống chế Walther von Reichenau phải tung Quân đoàn 44 từ lực lượng dự bị để giải nguy cho Quân đoàn 58; đồng thời đưa Quân đoàn cơ giới 14 (cũng lấy từ lực lượng dự bị) tăng cường cho hướng Rava - Russkaya; điều quân đoàn 55 tăng cường cho cánh quân tấn công Dubno. Toàn bộ 30 xe tăng KV của Liên Xô tại khu vực phòng thủ Kovel - Dubno đều thiếu đạn chống tăng. Zhukov đã lệnh cho tướng M. I Potapov, tư lệnh Tập đoàn quân 5 (Liên Xô) cung cấp cho họ loại đạn phá bê tông 09-30г để diệt xe tăng Đức.[98] Đến ngày 27 tháng 6, tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân 6 (Đức) đã chịu những thiệt hại đáng kể và vẫn chưa tiến qua được khu vực hành lang biên giới rộng 50 km.

Mặt trận Xô-Đức tháng 8 năm 1941. Khu phòng thủ Kiev trở thành một mũi đất nhô về phía Tây, chia cắt Cụm tập đoàn quân Trung tâm và Cụm tập đoàn quân Nam của Đức

Ngày 28 tháng 6, tướng Paul Kleist điều sư đoàn xe tăng 11 của tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) bất ngờ đột kích chiếm Dubno. Trong khi Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Nam phán đoán rằng, cánh quân này sẽ tiến xuống phía Nam để hợp vây tập đoàn quân 6 (Liên Xô) thì trên thực tế, cánh quân xe tăng này tiếp tục vượt qua Ostroh và lao về Kiev. Trên hướng này, tập đoàn quân 16 lại đang lên tàu chuyển quân đi tăng cường cho Phương diện quân Tây. Vì lợi ích chung, tướng M. F. Lukin, tư lệnh tập đoàn quân đã ra lệnh cho hai sư đoàn xuống tàu, quay về phòng thủ Shepetivka và yêu cầu Ủy viên hội đồng quân sự Phương diện quân Tây Nam N. X. Khrushov báo cáo về Moskva xin giữ lại các đơn vị còn lại của tập đoàn quân 16. Cuộc phản kích dự kiến có sự tham gia của các quân đoàn cơ giới 8, 9, 15 và 19 nhưng trên thực tế, chỉ có quân đoàn cơ giới 8 và 15 thực hiện. Mũi đột kích đơn độc của Quân đoàn cơ giới 8 (Liên Xô) hướng về Dubno đã bị Quân đoàn xe tăng 40 (Đức) hợp vây tại khu vực Brody và bị tổn thất nặng. Trên chính diện của Phương diện quân Tây Nam xuất hiện một lỗ hổng lớn ở Đông Nam Dubno. Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã lợi dụng lỗ hổng này lao về phía Kiev. Không chịu đựng được thất bại, Chính ủy quân đoàn N. N. Vashughin, Uỷ viên hội đồng quân sự Phương diện quân Tây Nam đã tự sát.[99]

Ngày 1 tháng 7, quân đoàn bộ binh 15 (Liên Xô) bỏ Kovel rút về Prokhod trước nguy cơ bị hợp vây. Để thu hẹp chính diện mặt trận do quân số thương vong nhiều, Bộ tư lệnh phương diện quân Tây Nam cũng lui binh về tuyến sông Ikhva, Zbytyn, Kremenets, Zloshev, Bobrka, Slavuta và mở đợt phản kích vào hướng Tsuman, Stavok (Tây bắc Rovno) để lấp lỗ hổng giữa hai tập đoàn quân 5 và 6. Kết quả phản công không như ý muốn của Bộ tư lệnh phương diện quân Tây Nam. Ngày 7 tháng 7, thống chế Reichenau tập trung lực lượng về phía Nam Novograd - Volynsky, đánh chiếm Berdichev, ngày 9 tháng 7 chiếm Jitomir. Một lỗ hổng còn lớn hơn lỗ hổng tại vùng Dubno lại xuất hiện làm cho các tập đoàn quân 6, 12, 26 của Liên Xô có nguy cơ bị hợp vây. Từ ngay 9 đến ngày 16 tháng 7, Phương diện quân Tây Nam đã tổ chức tập kích liên tục vào các cánh quân Đức, rút được phần lớn lực lượng của ba tập đoàn quân nói trên về củng cố phòng thủ Kiev. Trận hội chiến trên vùng biên giới Ukraina kết thúc. Tuyến mặt trận tại Phương diện quân Tây Nam hình thành một mũi nhô về phía quân Đức trên địa đoạn Kremenchuk, Kiev, Korosten, Kremenets, Pripyat.[100]

Cuộc phòng thủ tại Pháo đài Brest

Bài chi tiết: Trận Pháo đài Brest
Bản đồ pháo đài Brest, thành phố Brest và vùng phụ cận năm 1912

Là thành phố địa đầu miền Tây Belorussia, thành phố Brest - Litovsk đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định đình chiến Nga - Ba Lan, kết thúc cuộc chiến tranh giữa hai nước năm 1920. Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Pháo đài Brest trở thành một trong những địa điểm đầu tiên bị Quân đội Đức Quốc xã tấn công. Sau chiến tranh, Pháo đài Brest trở thành một trong những biểu tượng cho lòng dũng cảm của Quân đội và nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Nằm giữa ngã ba sông Mukhavets hợp lưu với sông Bug Tây, từ thế kỷ thứ XVIII, pháo đài Brest là vị trí có ý nghĩa địa quân sự quan trọng, được các kỹ sư quân sự Nga thời kỳ Sa hoàng thiết kế và tổ chức xây dựng như một tòa thành đồ sộ gồm pháo đài chính và 5 đồn binh phụ thuộc, trở thành căn cứ phòng thủ quân sự tiền tiêu trọng yếu ở phía Tây Đế quốc Nga. Trong thời đại công nghiệp quân sự phát triển cao với xuất hiện đại bác nòng rãnh, xe tăng, máy bay, Pháo đài Brest dần mất đi sức mạnh của nó. Tuy nhiên, vào năm 1940, Quân đội Liên Xô vẫn coi đây là một trong các cứ điểm phòng ngự kiên cố và quan trọng trên tuyến biên giới với Ba Lan.[101]

nhỏ|trái|200px|Thiếu tá Pyotr Mikhailovish Gavrilov, một trong năm sĩ quan chỉ huy cuộc phòng thủ pháo đài Brest

Nhiệm vụ phòng thủ pháo đài và toàn bộ dải phòng ngự phụ cận được giao cho sư đoàn bộ binh 18 (Sư đoàn Orion) và sư đoàn bộ binh 42 đều thuộc Tập đoàn quân 4 (Quân khu đặc biệt miền Tây). Đầu mùa hè năm năm 1941, các sư đoàn này đang tham gia cuộc diễn tập quân sự thường niên ở các vùng đồng cỏ và các khu rừng phụ cận thành phố Brest nên trong pháo đài chỉ còn chưa đầy hai trung đoàn bộ binh, trong đó, nòng cốt là trung đoàn 44, sư đoàn 42 do Thiếu tá Pyotr Mikhailovish Gavrilov và Chính ủy trung đoàn Efim Moiseyevish Fomin chỉ huy. Ngoài ra, trong khu vực pháo đài còn có các đồn biên phòng số 9 do trung úy Andrei Kijevatov chỉ huy và đồn biên phòng số 17 Cờ đỏ do thiếu tá A. P. Kuznesov chỉ huy; tổng quân số hai đồn khoảng một đại đội. Để tấn công khu vực này, thống chế Günther von Kluge, tư lệnh tập đoàn quân 4 Đức đã bố trí tại khu vực đối diện với Pháo đài Brest quân đoàn bộ binh 17 do tướng Schroth chỉ huy. Trong đó, sư đoàn 45 tấn công chính diện, các sư đoàn 31 vu hồi phía Bắc pháo đài vào thành phố Brest, sư đoàn 34 tấn công vu hồi phía Nam pháo đài.

Di tích cổng Kholm của pháo đài Brest với vô số vết đạn. Phía bên trái cổng có tấm bia tưởng niệm Chính ủy Fomin, một trong các chỉ huy pháo đài, đã hi sinh tại đây ngày 30 tháng 6 năm 1941

3 giờ 15 phút sáng 22 tháng 6 năm 1941, Pháo binh Đức Quốc xã trút xuống pháo đài những loạt đạn đầu tiên của trận pháo kích kéo dài hơn nửa giờ. 4 giờ 15 phút, bộ binh và xe tăng Đức tấn công pháo đài từ ba hướng: Bắc, Tây Bắc và Tây Nam. Sau gần một giờ hoảng loạn, Quân đội Liên Xô trong pháo đài đã tập hợp dưới sự chỉ huy của thiếu tá Gavrilov và đại úy Ivan Nikolaevish Zhubashev. Ít phút sau, Chính ủy Fomin cũng tham gia Ban chỉ huy. Họ đã ra bản "Mệnh lệnh số 1", phân công các vị trí phòng thủ trong pháo đài. Từ ngày 22 đến 28 tháng 6, Quân đội Liên Xô còn lại trong pháo đài đã mở nhiều cuộc phản kích, ba lần đánh lui quân Đức ra khỏi pháo đài. Các khu vực nhà chỉ huy, doanh trại công binh, lũy phía Đông, Đồn Đông, cổng Brest, cổng Kholm, cổng Terepolsky, cổng Bắc đều biến thành các hỏa điểm của quân đội Liên Xô. Lính Đức phải dùng cả đến hơi ngạt, súng phun lửa, bom cháy và tháo nước vào các đường hầm để dìm chết đối phương, dùng thuốc nổ đánh sập các căn nhà kiên cố nhưng vẫn không bẻ gãy được sức kháng cự của họ. Ban chỉ huy lực lượng phòng thủ pháo đài dự định tổ chức phá vây vào đêm 27 tháng 6 nhưng không thành công và bị thiệt hại lớn về người. Ngày 29 tháng 6, Không quân Đức oanh tạc cấp tập xuống pháo đài bằng nhiều loại bom phá hạng nặng. Song, quân đội Liên Xô đồn trú trong pháo đài còn sống sót vẫn tiếp tục chiến đấu đơn độc, không có tiếp tế, không có pháo binh và không quân yểm hộ. Lúc đó, hậu phương Liên Xô vẫn chưa hề biết đến họ.

Ngày 30 tháng 6, quân Đức dùng thuốc nổ phá sập tòa nhà chính, nơi đóng Sở chỉ huy phòng thủ pháo đài. Chính ủy Fomin bị bắt và bị quân Đức sát hại ngay tức khắc do lời tố giác của một kẻ phản bội. Thiếu tá Gavrilov bị bắt làm tù binh và được giải phóng khỏi trại Hammensburg tháng 4 năm 1945. Đại úy Zhubachev cũng bị bắt và bị chết trong tù năm 1944. Một số sĩ quan chỉ huy và hơn 20 binh sĩ Liên Xô, trong đó có thượng úy Semenenko, trung úy Vinogradov đã mở đường máu thoát vây, tham gia đội du kích của A. F. Fedotov đang hoạt động trong khu rừng Beloveja và tiếp tục chiến đấu.

Mặc dù Ban chỉ huy phòng thủ pháo đài đã mất nhưng những người còn lại vẫn không đầu hàng. Những người lính Liên Xô cuối cùng trước khi ngã xuống tại khu doanh trại phía Tây đã dùng lưỡi lê khắc lên tường nhà lời trăng trối:

Tôi thà chết chứ không đầu hàng. Vĩnh biệt Tổ Quốc.
— 20/VII- 41, [102]

Đến ngày 25 tháng 7, hiệu thính viên K. I Korshakov thuộc sư đoàn bộ binh 262 thuộc Phương diện quân Tây Nam đóng tại Staraya - Russa đã tình cờ nhận được bức điện cuối cùng được phát không mã từ Pháo đài Brest:

Tình hình nguy kịch, pháo đài sắp thất thủ, chúng tôi tiêu diệt lũ súc sinh, chúng tôi sẽ nổ mìn bắt chúng chết theo chúng tôi.
— Pháo đài, [103]

Cuộc phòng thủ ở pháo đài Brest sau này đã tạo cảm hứng cho nhà văn Boris Vasiliev viết tiểu thuyết nổi tiếng Tên anh không có trong danh sách (В списках не значился, 1974), tác phẩm này đã khắc họa hình ảnh những người lính Liên Xô tử thủ cuối cùng tại đây sau khi pháo đài đã rơi vào tay quân đội Đức.

Chiến dịch Smolensk

Bài chi tiết: Trận Smolensk (1941)
Mặt trận vùng Smolensk từ này 10 đến 18 tháng 7 năm 1941

Kết thúc trận hội chiến tại Belorussia, Quân đội Liên Xô tại Phương diện quân miền Tây bị tổn thất đặc biệt lớn với quân số bị chết, bị bắt, bị thương lên đến 420.000 người. Tuy nhiên, tinh thần chiến đấu của Quân đội Liên Xô làm cho các tướng lĩnh Đức phải kinh ngạc. Tướng Hermann Hoth, tư lệnh Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) ghi nhận: "Quân địch bị đẩy lùi khỏi biên giới nhưng chẳng bao lâu đã chấn chỉnh lại và chuyển sang phản công. Các thiết giáp của họ chặn đánh làm cho quân Đức không tiến lên được".[104] Ngày 3-7-1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Liên Xô tối cao Liên Xô, Chính phủ Liên Xô ra lời kêu gọi nhân dân toàn Liên Xô đứng lên chống quân phát xít Đức xâm lược.[105] Lời kêu gọi được truyền đi trên tất cả các làn sóng của Đài phát thanh Moskva.[106]

Mặc dù Quân đội Đức quốc xã cũng bị thương vong 389.924 người (vượt qua tổng số thương vong trong các cuộc chiến với Pháp, Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Hy Lạp, Nam Tư); nhưng đến ngày 5 tháng 7 năm 1941, tại mặt trận này, Quân đội Đức Quốc xã vẫn tạo được ưu thế 1,8 lần về quân số, 1,5 lần về xe tăng hạng nặng và hạng trung, 3,2 lần về máy bay chiến đấu, 1,2 lần về pháo và súng cối.[107] Vẫn tin tưởng vào "Kế hoạch Barbarossa" do những thắng lợi vừa đạt được và cho rằng người Nga sẽ không thể giữ vững được vì không còn dự trữ, ngày 10 tháng 7, Thống chế Fedor von Bock mở chiến dịch tấn công Smolensk với mục tiêu mở con đường ngắn nhất để vào Moskva.

Với ý định kết thúc sớm chiến tranh, Hitler lệnh cho thống chế Walther von Brauchitsch lấy quân của Cụm tập đoàn quân Bắc tăng cường cho Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Ngoài hai tập đoàn quân xe tăng 2 và 4, hai tập đoàn quân binh chủng hợp thành 4 và 9, Bộ Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức còn được bổ sung thêm Tập đoàn quân xe tăng 4 điều từ hướng Leningrad xuống và quân đoàn xe tăng 8 từ lực lượng dự bị vào chiến dịch này thay cho quân đoàn cơ giới 26 của tập đoàn quân 2 được tạm thời điều sang Cụm tập đoàn quân Nam. Quân đội Liên Xô phòng thủ trên hướng Smolensk gồm tập đoàn quân 22 của trung tướng F. A. Ershakov, tập đoàn quân 19 của trung tướng I. X. Konev, tập đoàn quân 20 của trung tướng P. A. Kurotkin, tập đoàn quân 13 của trung tướng F. N. Remezov, tập đoàn quân 16 (thiếu) của tướng M. F. Lukin. Quân Đức vẫn dùng chiến thuật quen thuộc sử dụng các binh đoàn xe tăng đột kích từ hai bên sườn để chia cắt và hợp vậy chủ lực cơ bản đối phương tại vùng gần mặt trận. Tập đoàn quân xe tăng 2 từ vùng Sklou đánh vu hồi vào Smolensk từ hướng Tây Nam. Riêng quân đoàn cơ giới 24 tại Bykhov được tách ra để phát triển tấn công sâu hơn theo hướng Krichev và Yelnya. Tập đoàn quân xe tăng 3 phối hợp với các quân đoàn bộ binh 5 và 6 (tập đoàn quân 9) vu hồi hướng Tây Bắc. Tập đoàn quân 4 và quân đoàn bộ binh 7 (tập đoàn quân 9) hoạt động tại chính diện tấn công.[108]

Từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) đã đột phá qua Polotsk, Vitebsk và phía Bắc Mogilev, buộc cánh phải của Phương diện quân Tây phải lùi về Nevel. Tập đoàn quân xe tăng 3 trong đó sư đoàn xe tăng Reich ("Đế chế") đã hợp vây toàn bộ tập đoàn quân 13 (Liên Xô) tại Mogilev và vùng phụ cận nhưng đã phải để lại tại đây hai quân đoàn cơ giới 24 và 46 do tập đoàn quân 13 (Liên Xô) liên tục đột kích phá vây. Tập đoàn quân 21 (Liên Xô) vượt sông Dnepr, tái chiếm Rogachev và Zhlobin, tiếp tục tiến lên phía Bắc đến Bobruisk, đánh vào sau lưng tập đoàn quân xe tăng 2, mở vây cho tập đoàn quân 13. Quân Đức chỉ chiếm lại được Rogachev và Zhlobin sau 23 ngày giao chiến với tổn thất gần 30.000 sĩ quan và binh sĩ. Tám sư đoàn Đức vẫn bị giam chân tại Bobruisk cho đến kết thúc chiến dịch. Mặc dù các tập đoàn quân 19, 20, và 22 đã liên tục phản đột kích trên chính diện và sườn phía Bắc nhưng đến ngày 16 tháng 7, xe tăng Đức đã đột nhập vào Smolensk. Các tập đoàn quân 16 và 20 (Liên Xô) đã bị bao vây tại đây.

Để lấp lỗ hổng phòng ngự trên hướng này, ngoài tập đoàn quân 24 đã có, Bộ Tổng tư lệnh tối cao lập tức điều động cho Phương diện quân Dự bị các tập đoàn quân 28, 29, 30, 31 và bố trí nó dọc theo tuyến Staraya - Russa, Ostashkov, Belyi, Yelnya và Bryansk để chặn các ngả đường vào Moskva. Phương diện quân Tây được tăng cường 20 sư đoàn bộ binh (tương đương 2 tập đoàn quân) với nhiệm vụ khôi phục lại tình hình vùng Smolensk. Để giữ hướng Gomel, Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô cũng đã thành lập Phương diện quân Trung tâm gồm tập đoàn quân 4 (mới tái lập) và các tập đoàn quân 13, 21 tách ra từ Phương diện quân Tây. Từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 7, tập đoàn quân 28 xuất phát tấn công từ Roslavl, các tập đoàn quân 24 và 30 tấn công từ Belyi và Yartsevo; đồng thời, các tập đoàn quân 16 và 20 cũng từ Smolensk đánh ra. Ngày 26 tháng 7, tập đoàn quân 30 của trung tướng K. K. Rokossovsky đã đón gặp các tập đoàn quân 16 và 20 từ Smolensk phá vây vượt ra. Riêng tập đoàn quân 28 của trung tướng V. Ya. Kashalov bị vây tại khu vực phía Tây Roslavl, bị 9 sư đoàn bộ binh và một quân đoàn cơ giới Đức bao vây, tiêu diệt. Trung tướng V. Ya. Kashalov tử trận. Ngày 28 tháng 7, quân đoàn cơ giới 46 (Đức) tiếp tục tiến chiếm bàn đạp Yelnya nhưng đã bị Tập đoàn quân 24 (Liên Xô) chặn đứng.[109]

Trong chiến dịch này, hai bên đều chịu những tổn thất rất lớn và đều không đạt được mục tiêu cuối cùng. Quân Đức thực sự "mất máu" trong trận này với hơn 250.000 quân thương vong, hơn 500 xe tăng, xe thiết giáp bị mất. Số thương vong của Quân đội Liên Xô còn lớn hơn thế nhưng ít nhất họ cũng đã phá vỡ ý đồ tiến chiếm Moskva trong hành tiến của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức). Sau trận này, các sư đoàn của Cụm tập đoàn quân Trung tâm đã không còn phục hồi được sức mạnh của họ sau những đòn phản công của Quân đội Liên Xô. Sức mạnh của quân đội Đức đã bị bẻ gãy.[110] Tuy nhiên, Quân đội Liên Xô cũng có thêm 700.000 thương vong (trong đó hơn 300.000 sĩ quan và binh sĩ bị bắt làm tù binh) cùng khoảng 3.000 xe tăng, thiết giáp và các phương tiện cơ giới khác bị quân Đức phá hủy hoặc tịch thu.[93]

Cuộc tấn công và đánh chiếm Kiev

Bài chi tiết: Trận Kiev (1941)
Quân Đức chiếm cây cầu Okuninovo

Do kết quả của các trận hội chiến trên biên giới Liên Xô tại Ukraina bất lợi cho Phương diên quân Tây Nam, ngày 30 tháng 6 năm 1941, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô cho phép Phương diện quân đến ngày 9 tháng 7 được rút lui về tuyến Korosten, Novograd - Volynskiy, Shepetivka, Staro Konstantinovka, Proskurovka. Ngày 1 tháng 7, Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã lấy một phần biên chế của tập đoàn quân 26 để thành lập tập đoàn quân 18 và bố trí nó vào chỗ đứt đoạn giữa Phương diện quân Nam và Phương diện quân Tây Nam trên khu vực Kamenets Podolski. Tuy nhiên, tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân 6 (Đức) đã đi trước các đơn vị Liên Xô. Ngày 7 tháng 7, Berdichev thất thủ, ngày hôm sau, Zitomir cũng bị quân đoàn cơ giới 3 Đức đánh chiếm. Tư lệnh phương diện quân Tây Nam Kirponnos chỉ còn trong tay quân đoàn bộ binh 6 để lấp cửa mở, không còn pháo binh chi viện. Để tăng cường binh lực bảo vệ Kiev, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô đã lấy phải từ lực lượng dự trữ chiến lược Quân đoàn đổ bộ đường không số 2 ném vào mặt trận Tây Nam.[111]

Đến ngày 1 tháng 7, thống chế Walther von Brauchitsch điều tập đoàn quân xe tăng 2 tiến xuống phía Nam để "thanh toán" chủ lực Phương diện quân Tây Nam của Liên Xô trước khi tiến hành trận công kích Moskva. Tình hình của Phương diện quân Tây Nam trở nên phức tạp. Trong các ngày từ 17 đến 22 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) của tướng Paul Kleist tiếp tục khoan sâu lỗ thủng ở vùng Uman, đẩy cánh Bắc và cánh Nam của Phương diện quân Tây Nam ngày càng tách rời nhau. Ngày 28 tháng 7, thiếu tướng V. I. Tupikov được cử làm tham mưu trưởng Phương diện quân Tây Nam thay trung tướng M. A. Purkaev được rút về Bộ Tổng tham mưu. Trong thời gian từ 22 đến 28 tháng 7, Cụm tập đoàn quân Nam của quân đội Đức đã tập trung hơn 20 sư đoàn quanh các cửa ngõ vào Kiev.[112] Ngày 29 tháng 7, tại cuộc gặp giữa Stalin, Zhukov, L. D. Mekhlick trong phòng làm việc của Stalin, khi nghe đề nghị của Zhukov rút thêm quân từ Viễn Đông về phòng thủ Moskva và phải bỏ Kiev vì không đủ lực lượng; Stalin đã chê trách Zhukov là hồ đồ, đã cho Zhukov thôi chức Tổng tham mưu trưởng, (Nguyên soái B. M. Shaposhnikov thay) và điều ông đi Phương diện quân Dự bị để tổ chức trận phản công tại Yelnya.[113]

Hỏa điểm với xe tăng được chôn ngầm trong locot bên bờ sông Dniestr

Mặc dù kìm chân được Tập đoàn quân 6 và quân đoàn xe tăng 48 của tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) ở khu vực Korosten - Kiev nhưng tại cánh Nam, ngày 2 tháng 8, tập đoàn quân 17 và chủ lực tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã hợp vây các tập đoàn quân 6 và 12 của Quân đội Liên Xô tại Uman.[114] Vì những thiếu hụt về binh lực, Bộ tư lệnh Phương diện quân Nam đề nghị cho rút về tuyến sông Ingrun. Tuy nhiên, Stalin không đồng ý rút nhanh và yêu cầu phải phòng thủ Odessa đến hết khả năng. Trong khi Phương diện quân Tây Nam chưa giải vây được cho hai tập đoàn quân 6 và 12 tại vùng Uman thì ngày 8 tháng 8, tập đoàn quân 2 và tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) mở cuộc tấn công xuống Gomel, Chernigov, RoslavlStarodub, đẩy lùi Phương diện quân Trung tâm (Liên Xô) sâu đến hơn 100 km. Để cứu vãn tình hình ở khu vực này. Ngày 8 tháng 8, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô đã thành lập Phương diện quân Bryansk gồm hai tập đoàn quân 13 và 50 do tướng A. I. Yeriomenko chỉ huy nhưng do lực lượng quá mỏng (chỉ có 7 sư đoàn bộ binh) Phương diện quân này cùng với Phương diện quân Trung tâm cũng không khôi phục được tình hình mà còn bị đẩy lùi sâu thêm về hướng Đông, làm cho tuyến mặt trận của Phương diện quân Tây Nam vốn đã dài trên 800 km nay lại kéo dài thêm hơn 100 km nữa.[115]

Ngày 4 tháng 8, thống chế Walther von Reichenau tập trung bộ binh, xe tăng, cơ giới và gần như toàn bộ tập đoàn quân không quân 4 vào một chính diện hẹp và mở cuộc đột kích khu phòng thủ Kiev từ các hướng Tây và Tây Nam. Mặc dù Phương diện quân Tây Nam được tăng cường thêm hai tập đoàn quân 38 (chỉ có 5 sư đoàn) và lữ đoàn đổ bộ đường không số 5 nhưng phải rải quân trên chính diện hơn 350 km quanh Kiev nên tại đoạn đột phá, quân Đức vẫn chiếm ưu thế. Từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 8, hơn 30 trận kịch chiến đã diễn ra quanh Kiev với thiệt hại rất lớn cho cả hai bên. Ngày 9 tháng 8, quân đoàn 6 cơ giới (Đức) đã đột phá đến Myshalovka và Sovki. Phương diện quân Tây Nam không còn lực lượng dự bị cho hướng này. Ngày 16 tháng 8, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô đồng ý với đề nghị của nguyên soái Semeon Budyonny, Tổng tư lệnh hướng Tây Nam cho rút tập đoàn quân 5 sang tả ngạn sông Dnepr. Việc này giúp cho Phương diện quân thu hẹp chính diện mặt trận để rút ra tám sư đoàn dự bị để sử dụng cho khu phòng thủ Kiev; nhưng cũng làm cho tập đoàn quân 6 (Đức) được "rảnh tay" ở phía Bắc và điều các đơn vị ở hướng này đến cửa ngõ Kiev. Phát hiện quân đội Liên Xô rút quân, ngày 22 tháng 8, sư đoàn xe tăng 11 (Đức) đã đánh chiếm cây cầu Okuninovo và một số bến vượt trên đường rút quân của Tập đoàn quân 5 (Liên Xô). Quân đoàn 27 (Tập đoàn quân 5) có nguy cơ bị bao vây bên hữu ngạn sông Dnepr. Vượt qua cây cầu này, sư đoàn xe tăng 11 (Đức) lao nhanh về Kiev; buộc bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Nam phải cho phá sập toàn bộ các cầu trên sông Dnepr và Desna. Ngày 24 tháng 8, cầu Okuninovo bị không quân Liên Xô phá sập sau khi Quân đoàn 27 đã rút hết sang tả ngạn Dnepr.[116]

Cuối tháng 8 năm 1941, ngoài bàn đạp Okuninovo, Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) đã chuẩn bị một cuộc tấn công lớn từ phía Nam Kiev đến Dnepropetrovsk do tập đoàn quân 17 và tập đoàn quân xe tăng 1 thực hiện. Tại hướng Bắc, mặc dù được chuyển giao hai tập đoàn quân 21 và 40 nhưng Phương diện quân Bryansk vẫn không cản được đường tiến xuống phía Nam của Tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức). Trên hướng Konotop, Chernigov, sườn phía Bắc của Tập đoàn quân 5 (Liên Xô) bị hở. Mãi đến ngày 6 tháng 9, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô mới chuyển tập đoàn quân 21 cho Phương diện quân Tây Nam thì tình hình cánh Bắc của phương diện quân này đã cực kỳ nghiêm trọng. Tập đoàn quân 5 (Liên Xô) đã nằm giữa hai gọng kìm của sư đoàn xe tăng 11 và tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức), ở vào thế không còn đường rút. Ngày 10 tháng 9, sư đoàn xe tăng 3, tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) sau khi vượt qua Baturin và Konotop đã lao đến Romny, phía sau Kiev. Ngày 12 tháng 9, tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đột kích vào Oster (???) - Kremenchuk, chia cắt chính diện cánh Nam của Phương diện quân Tây Nam và tiến nhanh lên Romny để hội quân với Tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức). Ba tập đoàn quân 5, 26, 37 và một phần các tập đoàn quân 21 và 38 của Phương diện quân Tây Nam đã bị hợp vây với tuyến mặt trận không còn liên tục.[117]

Khu Maidan, thành phố Kiev bị máy bay Đức quốc xã ném bom hủy diệt, mùa hè năm 1941

Đến tận ngày 15 tháng 9, khi hai tập đoàn quân xe tăng và ba tập đoàn quân dã chiến Đức đã khép vòng vây quanh ba tập đoàn quân Liên Xô ở phía Đông Kiev nhưng Stalin vẫn coi nhẹ nguy cơ chủ lực Phương diện quân Tây Nam bị vây cũng như không xem xét nghiêm chỉnh đề nghị rút quân của Tổng tư lệnh hướng Tây Nam và Bộ tư lệnh Phương diện quân. Ông đánh giá quá cao ý nghĩa của các cuộc tấn công hạn chế của Phương diện quân Tây, Phương diện quân Dự bị và Phương diện quân Bryansk vào sườn trái của tập đoàn quân xe tăng 2, đặc biệt là quá tin vào lời cam kết của tư lệnh Phương diện quân Bryansk, tướng Yeriomenko, rằng cuộc tấn công của Phương diện quân Bryansk sẽ giúp phá được vòng vây; do vậy Stalin đã để lỡ cơ hội rút quân của chủ lực Phương diện quân Tây Nam. Chỉ đến ngày 17 tháng 9, khi tình hình mặt trận Tây Nam đã rõ ràng không thể cứu vãn được. Stalin mới đồng ý cho rút quân nhưng đã quá muộn. Trong các trận chiến đấu phá vây từ 17 đến 19 tháng 9, chỉ có 1/4 lực lượng của Phương diện quân Tây Nam thoát vây. Tư lệnh phương diện quân, tướng M. P. Kirponosh, tham mưu trưởng phương diện quân, tướng P. I. Tupikov và ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân M. A. Burmistenko tử trận.

Ngày 20 tháng 9, Nguyên soái Semeon Timoshenko được chỉ định làm Tư lệnh Phương diện quân Tây Nam đã thu thập các đơn vị còn lại và bố trí phòng thủ trên tuyến Belopolye, Lebedyn, Krasnograd, Novomoskovsk. Cùng với hai bộ tư lệnh hướng Tây Bắc và Tây, Bộ tổng tư lệnh hướng Tây Nam bị giải thể.[118] Cuộc phòng thủ Kiev kết thúc với kết quả không như mong muốn của các nhà quân sự Liên Xô. Quân đội Đức Quốc xã đã chiếm trọn phần nửa phía Tây Ukraina. Khoảng 100.000 quân nhân Liên Xô đã chết hoặc bị thương, và 560.000 người bị bắt làm tù binh.[119] Thiệt hại của quân Đức thấp hơn nhiều, khoảng 128.000 quân Đức chết hoặc bị thương trong chiến dịch này.

Trận phản kích Yelnya

Bài chi tiết: Trận Yelnya
Một đơn vị Xe tăng T-26 (Liên Xô) giải phóng một ngôi làng trong trận Yelnya

Yelnya là một thị trấn nhỏ nằm ở phía Tây thành phố Spas Demensk, phía Tây Nam Dorogobuzh. Sau chiến dịch Smolensk, tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức đã chiếm thị trấn này và dự định dùng nó làm bàn đạp tấn công Moskva từ hướng Tây Nam. Ngay sau khi được cử làm Tư lệnh Phương diện quân Dự bị (thực chất đã trở thành Phương diện quân chính thức phòng ngự bên cánh trái Phương diện quân Tây); Zhukov đã ra ngay mặt trận để thị sát tình hình. Ông kết luận rằng Tập đoàn quân 24 (trong biên chế chỉ có ba sư đoàn bộ binh), không đủ sức phản kích vào cụm quân Đức đóng tại đây và cần phải tăng viện cho họ thêm hai sư đoàn nữa. Phía trước tập đoàn quân 24 là sư đoàn xe tăng 10 và sư đoàn xe tăng SS "Größ-Deuschland" đều thuộc Tập đoàn quân xe tăng 4 mới được điều từ hướng Leningrad đến trong Chiến dịch Smolensk.

Ngày 20 tháng 8, Tập đoàn quân 24 (Liên Xô) mở cuộc phản kích vào "mỏm" Yelnya cùng toàn bộ số máy bay và pháo của Phương diện quân Dự bị. Lần đầu tiên, tên lửa đất đối đất tầm ngắn Katyusha của quân đội Liên Xô được đem ra sử dụng. Tại Ushakovo, trung tâm phòng ngự của sư đoàn xe tăng 10 (Đức) đã bị hàng trăm quả đạn Katyusha san bằng. Đến ngày 6 tháng 9, các sư đoàn 19, 100, 107 của tập đoàn quân 24 và hai sư đoàn được tăng cường đã đánh bật hai sư đoàn xe tăng Đức ra khỏi vùng Yelnya, 45.000 quân Đức chết và bị thương. Tuy nhiên, Tập đoàn quân 24 không hợp vây được hai sư đoàn xe tăng Đức vì thiếu xe tăng. Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đã rút được phần lớn các phương tiện cơ giới khỏi Yelnya.[120]

Mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ nhằm thanh toán một cứ điểm bàn đạp của Quân đội Đức chuẩn bị cho cuộc tấn công Moskva với quy mô cấp tập đoàn quân nhưng toàn bộ trận phản kích Yelnya cho thấy trình độ tổ chức tấn công của Quân đội Liên Xô đã được cải thiện. Trận đánh này cũng đem lại nhiều kinh nghiệm về việc tập trung hỏa lực pháo binh cường tập với mật độ cao để phá vỡ tuyến phòng ngự có tổ chức của đối phương, tạo cửa mở và yểm hộ bộ binh tấn công. Trong năm 1941 đen tối đối với Quân đội Liên Xô, thắng lợi nhỏ ở Yelnya đã có một ý nghĩa tinh thần to lớn.[121]

Sau trận Yelnya, đại tướng Zhukov được cử đến Leningrad làm tư lệnh phương diện quân này, nguyên soái S. K. Timoshenko được cử là tư lệnh Phương diện quân Tây Nam (tái lập), trung tướng I. S. Koniev được cử làm tư lệnh phương diện quân Tây, nguyên soái S. M. Budyonny thay Zhukov làm tư lệnh phương diện quân dự bị.[122]

Cuộc phòng thủ Odessa

Đại tá N. I. Krylov, tham mưu trưởng khu phòng thủ Odessa năm 1941
Bài chi tiết: Trận Odessa (1941)

Sau khi chiến tranh nổ ra, Quân khu Odessa ban đầu được chuyển thành Tập đoàn quân độc lập số 9, sau đó đổi thành Cụm quân duyên hải. Từ ngày 30 tháng 6, Bộ tư lệnh Phương diện quân Nam được thành lập. Trung tướng Ya. T. Terevishenko làm tư lệnh Phương diện quân. Đây là Phương diện quân có biên chế ít nhất trong số 8 phương diện quân Liên Xô thời kỳ đầu chiến tranh. Nó gồm 13 sư đoàn bộ binh nhẹ, 3 sư đoàn kỵ binh, 2 sư đoàn cơ giới, phòng thủ trên 320 km chính diện trên tuyến biên giới với Slovakia, Hungary và Romania. Trong kế hoạch Barbarossa, đây là hướng thứ yếu của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức). Thống chế Gerd von Rundstedt chỉ điều động cho hướng này tập đoàn quân 11 (thiếu). Để bổ sung cho hướng này, từ ngày 1 tháng 7 năm 1941, Gerd von Rundstedt đã điều động thêm tập đoàn quân 4 Romania, quân đoàn bộ binh 9 Ý tham chiến.

Trong tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến tranh Xô-Đức, mặt trận miền Nam tương đối yên tĩnh. Cụm tập đoàn quân Nam của Đức dồn toàn bộ chủ lực về hướng Kiev. Đến ngày 1 tháng 7, tập đoàn quân 4 Romania đã vượt biên giới tấn công về hướng Odessa. Ngày 18 tháng 7, tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân 11 Đức đã cắt rời hai tập đoàn quân 6 và 12 thuộc Phương diện quân Tây Nam và bao vây phần lớn các đơn vị của hai tập đoàn quân này tại Uman. Tướng I. N. Muzytshenko, tư lệnh tập đoàn quân 6 và tướng P. G. Ponedelin, tư lệnh tập đoàn quân 12 bị bắt làm tù binh tại Uman. Bộ tổng tư lệnh Liên Xô phải gấp rút thành lập thêm tập đoàn quân 18 để lấp vào lỗ trống trên mặt trận, tái lập hai tập đoàn quân 6 do tướng R.I Malinovsky và 12 do tướng Koroteev chỉ huy; khôi phục lại tuyến phòng ngự phía Nam Ukraina. Đến ngày 25 tháng 8 năm 1941, hai tập đoàn quân 11 (Đức) và 4 (Romania) đã tiến đến bờ Đông sông Dnepr và cửa ngõ bán đảo Krym; đánh chiếm Kirovograd, Krivoi Rog, NikolayevKherson; ngày 5 tháng 8, quân Đức bao vây thành phố cảng Odessa.[123]

Pháo chống tăng của Quân đội Liên Xô tham gia phòng thủ Odessa. Tháng 8 năm 1941

Tham gia phòng thủ Odessa ban đầu có phân hạm tuần duyên do Hạm trưởng bậc nhất Georgiy Safronov chỉ huy, hai lữ đoàn hải quân đánh bộ 33 và 60 của Hạm đội biển Đen dưới quyền chỉ huy của các trung tá D. I. Surov, B. V. Kudriavshev và cụm quân Duyên hải gồm ba sư đoàn bộ binh Liên Xô dưới quyền chỉ huy của tướng I. E. Petrov và tham mưu trưởng, đại tá N. I. Krylov. Tổng quân số có 34.500 người và 240 khẩu pháo, cối. Kế hoạch phòng thủ Odessa của phương diện quân Nam đã được đại tướng Zhukov bổ sung. Bao vây và tấn công Odessa ban đầu có quân đoàn bộ binh 72 (Đức) và tập đoàn quân 4 (Romania) do tướng Dumitrescu chỉ huy. Đến tháng 10, Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) điều thêm đến khu vực Odessa quân đoàn 9 thuộc tập đoàn quân 8 (Italia). Các đơn vị này có tổng quân số 340.233 người.

Xe tăng Panzer IV yểm hộ bộ binh Đức tấn công

Cuộc phòng thủ Odessa bắt đầu ngày 5 tháng 8 năm 1941 khi Phương diện quân Nam của Liên Xô rút khỏi vùng ven biển phía Tây Nam vì không còn đủ lực lượng để phản kích. Quân đội Liên Xô và người dân Odessa đã chiến đấu liên tục trong hơn hai tháng, thực hiện việc phòng thủ khu vực Odessa đến người cuối cùng. Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 8, không quân và pháo binh Đức mở cuộc nhiều trận oanh tạc và bắn phá thành phố. Ngày 13 tháng 8, tập đoàn quân 4 Romania bắt đầu đột kích dọc bờ biển vào thành phố từ phía Tây Nam nhưng đều bị các lữ đoàn hải quân đánh bộ 33 và 60 (Liên Xô) đánh bật trở lại. Ngày 14 tháng 9, sau khi đã bao vây và loại khỏi vòng chiến đấu phần lớn binh lực của hai tập đoàn quân 6 và 12 (Liên Xô) tại vùng Uman, quân đoàn cơ giới 50 (Đức) được điều về khu vực Odessa. Ngày 15 tháng 8, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Liên Xô điều phân hạm đội 157 do Hạm trưởng bậc nhất D. I. Tomilin với 12.600 quân từ khu phòng thủ Novorossisk cơ động đường biển đến tăng viện cho cụm quân Duyên hải, phòng thủ phía Bắc Odessa. Đến ngày 24 tháng 9, nhiều trận đánh ác liệt đã nổ ra tại các khu vực Tshabanky, Staroiy và Novo Dofinovky. Ngày 30 tháng 9, tuyến phòng thủ thành phố bị xe tăng Đức chọc thủng nhưng cuộc phòng thủ vẫn tiếp tục trong các ổ đề kháng được bố trí khắp khu vực nội đô. Ngày 16 tháng 10, do tập đoàn quân 11 (Đức) đã đột nhập bán đảo Krym và tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã chiếm Taganrog; Phương diện quân Nam quyết định rút các lực lượng còn lại tại Odessa theo đường biển về phòng thủ Sevastopol. Cuộc phòng thủ Odessa chấm dứt.[124][125]

Mặt trận Leningrad

Bài chi tiết: Trận Leningrad
Ba bước tấn công của Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) về hướng Leningrad, hè - thu năm 1941

Trong kế hoạch Barbarossa, Leningrad là một trong ba mục tiêu chiến lược. So với hai mục tiêu còn lại (Moskva và Kiev), đây là hướng mà Quân đội Liên Xô có ít binh lực hơn. Adolf Hitler tuyên bố: "Phải xóa thành phố này khỏi bản đồ thế giới, phải phá hủy nó bằng các cỡ đại bác và không quân tầm xa".[126]

Sau khi đánh tan Phương diện quân Pribaltic, chiếm Tallinn, buộc số quân còn lại và Bộ chỉ huy Phương diện quân này phải rút về Leningrad bằng đường biển; ngày 19 tháng 8 năm 1941, Cụm tập đoàn quân Bắc của thống chế Wilhelm von Leeb đã tạo được ưu thế 3/1 tại mặt trận này và mở cuộc tổng công kích tiến đến Leningrad. Từ ngày 22 đến 24 ngày tháng 8, Phương diện quân Bắc được thành lập và mở cuộc phản công tại vùng Novgorod. Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) bị thiệt hại nặng. Lỗ thủng đột phá do cuộc phản công này tạo ra sâu đến 60 km buộc Thống chế Wilhelm von Leeb phải ném vào đây hai sư đoàn cơ giới để bảo vệ hậu cứ của Cụm tập đoàn quân Bắc và đẩy lùi Quân đội Liên Xô về tuyến xuất phát. Đầu tháng 9, tập đoàn quân 18 đã chiếm vùng Narva, cửa ngõ phía Tây Leningrad. Ngày 4 tháng 9, cứ điểm Shlisselburg thất thủ, tập đoàn quân 16 và tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đã chiếm khu vực bờ Nam Hồ Ladoga; bao vây Leningrad từ hướng Nam và Đông Nam. Ở phía Bắc, quân đoàn Phần Lan tấn công vào eo đất Karelia, phối hợp với quân Đức bao vây Leningrad từ hướng Bắc. Trên hướng Tây Leningrad, mỏm đất Oranienbaum vẫn do Hải quân đánh bộ Hạm đội Baltic (Liên Xô) đóng giữ (còn được gọi là "Cụm chiến dịch ven biển"), trở thành mối đe dọa thường xuyên đối sườn trái của tập đoàn quân 18 (Đức). Leningrad chỉ còn có thể liên lạc với hậu phương Liên Xô qua mặt hồ Ladoga. Cuộc phòng thủ 900 ngày của Quân đội và nhân dân Liên Xô tại Leningrad bắt đầu.[127]

Ngày 5 tháng 9, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Liên Xô đã chia Phương diện quân Bắc thành hai Phương diện quân: Leningrad và Karelia. Ban đầu, nguyên soái K. E. Vorosilov được cử làm tư lệnh Phương diện quân, tướng M. M. Popov làm tham mưu trưởng. Đến ngày 10 tháng 9, K. E. Vorosilov xin từ chức. Stalin bổ nhiệm đại tướng Zhukov làm tư lệnh Phương diện quân Leningrad, trung tướng M. X. Khozin được cử làm tham mưu trưởng. Bộ Tư lệnh Phương diện quân đã tiến hành ngay ba biện pháp phòng thủ trong tình hình quân số, vũ khi, đạn dược và lương thực bắt đầu thiếu hụt:

Quân đội Liên Xô tiến ra mặt trận phòng thủ Leningrad, năm 1941
  • Rút một phần pháo phòng không trong thành phố ra các tuyến phòng ngự mặt đất, sử dụng đạn xuyên phá thay đạn mảnh phá để chống xe tăng.
  • Xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố tại Urisk (???) và Pulkovo với binh lực của tập đoàn quân 42, một phần tập đoàn quân 23 và các pháo hạm của hạm đội Baltic
  • Tổ chức từ 5 đến 6 lữ đoàn bộ binh độc lập lấy từ hải quân thuộc Hạm đội Baltic, học viện quân sự và các cơ quan thuộc Bộ dân ủy Nội vụ tại Leningrad.[123]

Từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 9, tướng Georg von Küchler, tư lệnh Tập đoàn quân 18 (Đức) đã tổ chức ba trận công kích vào Leningrad trên tuyến Urisk, Pulkovo, Kolpino và Pushkin, phối hợp với quân dù đổ bộ xuống Petergof nhưng đều bị chặn đứng. Hạm đội Baltic đã ngăn chặn có hiệu quả các chiến hạm và tàu ngầm Đức trên vịnh Phần Lan. Đầu tháng 10, Tập đoàn quân 18 (Đức) phải ngừng các cuộc công kích đường bộ và mở chiến dịch phá hoại thành phố bằng không quân và pháo binh. Ngày 8 tháng 10, đại tướng Zhukov lại được chỉ định làm tư lệnh Phương diện quân Tây để tổ chức phòng thủ Moskva. Các tướng I. I. Fediuninsky và M. X. Khozin lần lượt được cử làm tư lệnh Phương diện quân Leningrad.[128]

Từ ngày 16 tháng 10 đến ngày 8 tháng 11, Tập đoàn quân 16 (Đức) tấn công đánh chiếm Tikhvin, tiến sát thành phố Volkhov, cắt đứt đường sắt Moskva - Leningrad và chỉ bị chặn lại trước tuyến phòng ngự của tập đoàn quân 4 và tập đoàn quân độc lập 7 do đại tướng K. A. Mereskov chỉ huy. Tháng 11 năm 1941, do dự trữ lương thực đã cạn và việc tiếp tế qua hồ Ladoga bị gián đoạn, nạn đói bắt đầu xuất hiện tại Leningrad. Khẩu phần bánh mỳ hàng ngày của quân nhân trên tuyến 1 giảm xuống còn 400 gam, công nhân được nhận 250 gam, người sống nương nhờ và trẻ em chỉ có 125 gam. Người ta đã phải dùng đến cân tiểu ly để phân phát lương thực và thực phẩm. Thành phố thiếu chất đốt trầm trọng trong khi mùa đông vùng cực Bắc đã bắt đầu. Tuy nhiên, Leningrad vẫn không đầu hàng.[129]

Khẩu siêu pháo 305 mm được Quân đội Đức sử dụng để bắn phá Leningrad

Mặc dù bị cô lập trên bộ nhưng đến mùa đông năm 1941, Liên Xô đã thiết lập con đường sống (Доро́га жи́зни) - một tuyến tiếp tế sử dụng mặt băng trên hồ Ladoga - nhằm đưa lương thực, đạn dược, nhiên liệu... vào trong thành phố và vận chuyển dân cư cũng như người bị thương ra ngoài. Nhưng đến mùa hè, khi mặt hồ Ladoga tan băng, tuyến tiếp thế này bị hạn chế tác dụng.

Ngày 17 tháng 12 năm 1941, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô thành lập Phương diện quân Volkhov gồm các tập đoàn quân 4. 26, 52, 59 do đại tướng K. A. Mereskov chỉ huy. Phương diện quân mới được giao nhiệm vụ phối hợp với Phương diện quân Leningrad tấn công cánh quân Shlisselburg của tập đoàn quân 16 (Đức), giải tỏa cho Leningrad. Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1942, các phương diện quân này tiến hành chiến dịch Lyuban nhưng do Phương diện quân Leningrad đã suy yếu trong phòng thủ, không thể hợp điểm với mũi tấn công của tập đoàn quân xung kích 2 (nguyên là tập đoàn quân 26). Tập đoàn quân này bị quân Đức bao vây và tư lệnh tập đoàn quân, tướng Vlasov đã đầu hàng và chấp nhận làm việc cho quân đội Đức. Thành phố Leningrad vẫn nằm trong vòng vây đến ngày 18 tháng 1 năm 1943, khi Phương diện quân Leningrad và Phương diện quân Volkhov tiến hành chiến dịch Iskra (Tia Chớp), đánh chiếm dải đất hẹp Shlisselburg - Sinyavino ở bờ Nam hồ Ladoga, phá vỡ vòng phong tỏa Leningrad.[130][131]

Chiến dịch phản công Rostov

Bài chi tiết: Trận Rostov, 1941

Phát huy ưu thế áp đảo về binh lực, tháng 9 năm 1941, Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) phát triển tấn công về phía Đông, buộc các Phương diện quân Tây Nam và Nam của Quân đội Liên Xô phải hai lần rút quân về phía bên kia sông Oskol. Cuối tháng 9, các tập đoàn quân dã chiến 6, 11, 17 và tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã tiến đến tuyến Krasnohrad, Zaporozhe, Melitopol. Sau khi đánh chiếm Odessa, tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân dã chiến 17 lao về hướng Rostov-na-Donu. Tập đoàn quân 11 hướng đòn tấn công vào bán đảo Krym, buộc các tập đoàn quân 44 và 51 Liên Xô phải rút sang bán đảo Taman. Căn cứ hải quân Liên Xô tại Sevastopol bị bao vây.[132]

Đến tháng 11 năm 1941, sức tấn công của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) bị suy giảm do tuyến hậu cần kéo dài và liên tục bị các đội du kích Liên Xô đánh phá trong hậu tuyến và mặt trận bị trải rộng ra trên 600 km. Tuy phải rút lui nhưng các Phương diện quân Tây Nam và Nam của Liên Xô vẫn tổ chức các cuộc phản đột kích vào bên sườn các cánh quân xe tăng và cơ giới Đức, buộc Cụm tập đoàn quân Nam của Đức phải phân tán lực lượng dàn đều trên các hướng có nguy cơ bị tập kích và bảo đảm các tuyến giao thông. Ngày 4 tháng 11, Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) vượt qua Taganrog đột nhập đến cửa ngõ Rostov-na-Donu, đẩy lùi chính diện của tập đoàn quân 12 về Barvenkovo, của tập đoàn quân 18 về bên kia sông Miush. Ngày 21 tháng 11, quân Đức đánh bật tập đoàn quân 9 của Phương diện quân Nam khỏi Rostov và chiếm thành phố.[133]

Sau khi để tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) "nghỉ lại" vài ngày, các Phương diện quân Nam và Tây Nam mở cuộc phản công vào ngày 23 tháng 11. Để bao vây đạo quân xe tăng của tướng Kleist, tập đoàn quân 37 (Liên Xô) hướng đòn tấn công về phía Taganrog nhằm cô lập tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức). Tập đoàn quân 9 áp sát tuyến sông Tuzlov đến Kamenny Brod. Mặc dù đánh thiệt hại nặng sư đoàn cơ giới SS "Viking", các sư đoàn xe tăng 1 và 16 nhưng Quân đội Liên Xô không thực hiện được ý định hợp vây Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) do không còn lực lượng dự bị. Ngày 29 tháng 11, tướng Kleist rút các đơn vị còn lại của tập đoàn quân xe tăng 1 khỏi Rostov về phía bên kia sông Miush. Thành phố Rostov được giải phóng lần thứ nhất sau một tuần bị đánh chiếm.[134]

Chiến dịch phòng ngự-phản công Moskva

Xe tăng Liên Xô chuẩn bị phản công ở ngoại vi Moskva, tháng 12 năm 1941
Bài chi tiết: Trận Moskva, 1941

Sau khi bao vây Leningrad và làm suy yếu nghiêm trọng các Phương diện quân Bryansk, Tây Nam và Nam của Liên Xô, ngày 3 tháng 10 năm 1941, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) bắt đầu triển khai tấn công Moskva trên hướng Oryol - Tula. Ngày 5 tháng 10, tuyến phòng ngự chủ yếu của Phương diện quân Dự bị (Liên Xô) bị chọc thủng tại Yukhnov. Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm nắm trong tay các tập đoàn quân dã chiến 2, 4, 9; các tập đoàn xe tăng 2, 3, 4 (mới được điều từ Cụm tập đoàn quân Bắc đến) tiến hành chiến dịch tổng công kích vào Moskva, thực hiện kế hoạch "Typhoon" (Bão táp) do đích thân Adolf Hitler phê chuẩn. Trong Chỉ thị số 35 của mình, Hitler nói: "Phải bao vây Moskva sao cho không một tên lính Nga, không một người dân - dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ con- có thể ra khỏi thành phố. Mọi mưu toan tẩu thoát đều phải đàn áp bằng vũ lực."[135][136]

Chỉ trong tuần lễ đầu tiên, với ưu thế vượt trội cả về quân số và trang bị, lại được nắm thế chủ động, quân Đức đã hoàn tất 2 trận vây hãm lớn tại Bryansk và Vyazma, tạo một lỗ hổng lớn trước thủ đô Liên Xô nhưng do những trận mưa mùa thu khiến đà tiến của Đức bị chậm lại.[137] Thống kê sau 2 tuần, quân Đức đã tiêu diệt hoặc bắt được 650.000 binh sĩ Liên Xô, phá hủy 5.000 pháo và 1.200 xe tăng và thiết giáp của quân đội Liên Xô.[138]

Đầu tháng 11 năm 1941, sau khi chọc thủ phòng tuyến của Phương diện quân Tây tại tuyến Dukhovshchina - Sychyovka - Volokolamsk; của Phương diện quân Dự bị tại tuyến Roslavl - Yukhnov - Maloyaroslavets; của Phương diện quân Bryansk tại tuyến Shostka - Mtsensk - Plavsk - Dedilovo, sáu tập đoàn quân Đức đã áp sát Moskva từ các hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam. Tại kênh đào Yakhroma, lính Đức đã có thể nhìn thấy những tòa tháp của nhà thờ Ivan Velikii trong khu vực điện Kremly qua ống nhòm. Nhưng đây là vị trí gần Moskva nhất mà quân đội Đức Quốc xã có thể tiến đến được. Ngày 7 tháng 11, tại Quảng trường Đỏ diễn ra cuộc duyệt binh lịch sử. Trong cuộc duyệt binh này, lãnh tụ Liên Xô Stalin đã đọc nhật lệnh kêu gọi quân đội và nhân dân bảo vệ Thủ đô. Các đơn vị bộ binh, xe tăng, pháo binh Liên Xô sau khi diễu binh qua Lăng Lenin đã thẳng tiến ra mặt trận.[139] Đà tiến công của quân đội Đức Quốc xã đã bị quân đội Liên Xô chặn đứng.

Pháo binh Quân đội Liên Xô yểm hộ cuộc phản công tại Moskva

Đầu tháng 12 năm 1941, một số đơn vị Đức lâm vào thế "chết đứng" do thiết giáp không thể vận hành dưới cái lạnh khủng khiếp. Những lực lượng tiên phong không được chuẩn bị cho mùa Đông và cũng không có dự trữ.[137] Ngày 4 tháng 12, tập đoàn quân xe tăng 2 của Guderian phải dừng lại khi nhiệt độ là -35 độ, hôm sau nhiệt độ xuống thêm 2 độ nữa và xe tăng hầu như bất động trong khi quân đội Liên Xô liên tục phản kích hai bên sườn và uy hiếp phía sau cánh quân này từ hướng Tula.[140]

Từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 5 tháng 12 năm 1941, Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức đã chịu những thiệt hại rất nặng nề tại Mặt trận Moskva, không còn đủ sức tấn công và phải chuyển sang phòng ngự nhưng không kịp. Ngày 5 tháng 12, các Phương diện quân Tây Bắc (cánh Nam), Kalinin (mới thành lập), Tây, Bryansk, Tây Nam (cánh bắc) của Liên Xô đồng loạt phản công từ Ostashkov, qua Klin, Naro-Fominsk, Tula đến Efremov và Yelets. Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã hoàn toàn không ngờ lại có chuyện như vậy. Các tập đoàn quân dã chiến 4, 9, các tập đoàn quân xe tăng 2, 3 của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) bị thiệt hại nặng và bị đánh bật khỏi Moskva, có nơi đến hơn 250 km. Chiến dịch "Bão táp" của quân đội Đức nhằm đánh chiếm Moskva bằng một trận hợp vây đã phá sản, kéo theo sự phá sản của toàn bộ Kế hoạch Barbarossa.[141]

Chiến dịch phản công Yelets - Khomutovo

Quân đội Liên Xô tấn công gần Briansk

Chiến dịch phản công Yelets - Khomutovo do Phương diện quân Tây Nam tiến hành là một phần của cuộc Tổng phản công mùa Đông 1941-1942 của Quân đội Liên Xô. Mặc dù đang ở thế phòng ngự và quyền chủ động tấn công vẫn ở trong tay quân đội Đức Quốc xã nhưng để phối hợp với chiến dịch phản công tại khu vực Moskva, Phương diện quân Tây Nam vẫn được giao nhiệm vụ sử dụng cánh Bắc của mình để mở cuộc tấn công vào thành phố Yelets và phát triển tuyến sông Zusha, che chở sườn trái cho Phương diện quân Bryansk đang chuẩn bị tấn công từ Efremov đến Novosil[142]. Khi giao nhiệm vụ, Tổng tư lệnh tối cao Stalin nói rõ: "Phương diện quân Tây Nam phải hành động bằng lực lượng hiện có của mình. Các lực lượng dự bị, đặc biệt là xe tăng của Đại bản doanh hiện đang tập trung cho hướng chiến lược Moskva"[143]. Mặc dù nguyên soái S. K. Timoshenko phàn nàn: "Không có xe tăng thì làm được trò trò trống gì ?" nhưng ông vẫn chỉ thị cho Bộ tham mưu Phương diện quân Tây Nam triển khai chiến dịch trong điều kiện không có xe tăng và chỉ có 245 khẩu pháo. Trong khi đó, các quân đoàn bộ binh 34 và 55 thuộc Tập đoàn quân 2 (Đức) đang đóng trong khu vực tam giác Yelets - Khomutovo - Livny có trong tay 470 khẩu pháo và 50 xe tăng[144].

Sơ đồ Chiến dịch phản công Yelets - Khomutovo

Ngày 6 tháng 12 năm 1941, Cụm cơ động thuộc Tập đoàn quân 40 của tướng F. I. Kostenko gồm gần 20.000 quân, được sự yểm hộ của 206 khẩu pháo và súng cối, xuất phát từ Terbuny, phía Tây Bắc Voronezh, chia làm hai mũi bắt đầu xuất phát. Mũi tấn công thứ nhất đánh vào phía Tây Nam Yelets. Mũi tấn công thứ hai đánh dọc sông Zusha qua Livny và phát triển đến Khomutovo. Cùng thời điểm, Cụm xung kích thuộc Tập đoàn quân 13 của tướng K. S. Moskalenko cũng xuất phát từ thượng nguồn sông Đông đánh vào phía Tây Bắc Yelets và hướng cánh trắc vệ bên phải về phía sông Zusha. Cả hai cánh quân đều hướng đến các điểm gặp nhau tại phía Tây Yelets và Khomutovo. Ngày 16 tháng 12, Sư đoàn bộ binh 95 (Đức) bị lọt vào vòng vây tại Yelets. Tập đoàn quân 2 (Đức) tung Quân đoàn bộ binh 34 ra đối phó, lập tuyến phòng thủ trên sông Sosna và án ngữ con đường sắt từ Yelets đi Oryol nhưng đã muộn. Ngày 7 tháng 1 năm 1942, hai cụm xung kích của các Tập đoàn quân 40 và 13 đã gặp nhau tại Khomutovo và đến lượt Quân đoàn bộ binh 34 (Đức) bị hợp vây. Cánh trái của Tập đoàn quân 40 cũng hành động tích cực, khiến cho Tập đoàn quân 2 (Đức) không thể rút Quân đoàn bộ binh 55 khỏi cụm cứ điểm Shchigry để ứng cứu cho Quân đoàn bộ binh 34. Ngày 20 tháng 1 năm 1942, các Tập đoàn quân 40 (Phương diện quân Tây Nam) và 13 (Phương diện quân Bryansk) đã tiêu diệt phần lớn Quân đoàn bộ binh 34 (Đức), đưa chiến tuyến đến sống Zusha, đánh chiếm đầu mối giao thông đường thủy Novosil và đầu mối giao thông đường sắt Verkhovye. Thanh toán được cụm cứ điểm trong khu tứ giác Yelets - Efremov - Khomutovo - Livny, Quân đội Liên Xô đã khép chặt sườn phải của Phương diện quân Tây Nam và sườn trái của Phương diện quân Bryansk đẩy chiến tuyến về phía Tây từ 50 đến 100 km.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Barbarossa http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.ruslib.com/MEMUARY/GERM/shirer1.txt_Pie... http://www.english.uiuc.edu/maps/ww2/barbarossa.ht... http://www.foia.cia.gov/CPE/CAESAR/caesar-25.pdf http://klio.ilad.lv/11_1_.php http://www.army.mil/cmh-pg/books/wwii/balkan/20_26... http://www.army.mil/cmh-pg/books/wwii/balkan/appen... http://www.ushmm.org/wlc/article.php?lang=en&Modul... http://www.jourclub.ru/12/202 http://www.krunch.ru/blog/history/29.html